Đàn Ông khi nào mới cần chữa trị "Rối loạn"

Sự cố trong thiên chức nam nhi là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là phải biết cách để không lạm dụng thuốc điều trị.


Khi nào thực sự là rối loạn cương dương (RLCD)?

Theo thạc sĩ Nguyễn Quang (Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội): "RLCD trong cộng đồng thường gọi là yếu sinh lý. Bệnh có biểu hiện: có ham muốn tình dục, nhưng không thể thực hiện được, không duy trì được, hoặc gần phụ nữ nhưng vẫn như không... Có các nguyên nhân khác nhau gây nên sự cố này: nội tiết tố, vấn đề về thần kinh, tâm lý, bất thường cấu tạo tại cơ quan sinh sản, do tâm lý, đồng thời còn có một số bệnh có thể gây RLCD như đái tháo đường, tăng huyết áp...". 

Các chuyên gia đưa ra những tình huống hết sức bình thường có thể ảnh hưởng đến khả năng của nam giới, nhưng đôi khi lại bị bỏ qua. Chẳng hạn như: khi tinh thần không thoải mái, tâm trạng bực bội, căng thẳng do công việc khiến người chồng không thể sẵn sàng; hoặc nếu khung cảnh không phù hợp - trẻ con quấy khóc, nơi gặp gỡ không đảm bảo sự riêng tư cũng ảnh hưởng xấu đến cảm xúc; thậm chí, có trường hợp, người chồng "mắc lỗi" lại không phải do người chồng! Đó là trường hợp hai vợ chồng cùng đến gặp bác sĩ nam khoa. Người vợ kể "tội" chồng không đảm bảo "chất lượng". Tuy nhiên, khi bác sĩ làm các xét nghiệm, "điều tra" các yếu tố liên quan đến thiên chức người chồng, thì thu được kết quả bất ngờ: người chồng hoàn toàn bình thường chứ không "kém" như người vợ phàn nàn!

"Cởi trói" nhưng không lạm dụng 

"Bộ Y tế đã chính thức cho phép mở rộng phạm vi kinh doanh thuốc điều trị RLCD được đăng ký lưu hành tại thị trường VN" - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết. Trước đây thuốc này chỉ được bán tại các nhà thuốc bệnh viện T.Ư và đa khoa tuyến tỉnh có đơn vị nam học, tiết niệu, nội tiết - đái tháo đường, thì đến nay đã được bán tại các hiệu thuốc hoạt động hợp pháp. Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng đã nâng thời gian hiệu lực đăng ký thuốc điều trị RLCD lên 5 năm. Theo Thứ trưởng Cao Minh Quang, việc được phép bán rộng rãi hơn nhằm giúp người bệnh có thêm điều kiệån được tiếp cận thuốc đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, để an toàn, tránh nguy cơ lạm dụng, hiện nay các thuốc này chỉ được bán theo đơn. Có loại thuốc điều trị RLCD đã được khuyến cáo, có thể ảnh hưởng xấu đến thị lực (mù mắt).

Thạc sĩ Nguyễn Quang cũng nhấn mạnh: "Không tự ý sử dụng và lạm  dụng thuốc vì có thể nguy hiểm đến sức khỏe. Cũng như bất kỳ thuốc nào khác, thuốc điều trị RLCD có thể gây tác dụng phụ như: tăng huyết áp, nóng bừng mặt, nhức đầu, sổ mũi, thậm chí có thể đột quỵ". Với thuốc điều trị RLCD có hoạt chất Sildenafil được giới chuyên môn khuyến cáo: có thể tác dụng không mong muốn ở những mức độ khác nhau như rối loạn hệ thần kinh trung ương (đau đầu, chóng mặt); rối loạn mạch máu (giãn mạch - đỏ bừng mặt); rối loạn mắt (gây nên thị lực bất thường - nhìn mờ, loạn sắc); rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh); viêm mũi; rối loạn tiêu hóa (khó tiêu). Thuốc điều trị RLCD có hoạt chất Tadafil cũng được cảnh báo chống chỉ định trong trường hợp: bệånh nhân dị ứng với một trong các thành phần của thuốc; các bệnh nhân cần tránh hoạt động tình dục do bệnh tim mạch hay có bệnh tim tiềm ẩn; bệnh nhân bị đau thắt ngực hay bệnh lý tim mạch khác đang điều trị bằng Nitrat hữu cơ; bệnh nhân bị suy tim nặng hoặc tai biến mạch máu não trong vòng 6 tháng; bệnh nhân huyết áp bất thường - quá cao hoặc quá thấp. Việc bổ sung thuốc nội tiết tố cũng cần hết sức cân nhắc, thận trọng, tránh làm trầm trọng thêm một sốá bệnh liên quan đến nội tiết tố.

"Không thể có một đơn thuốc chung cho điều trị RLCD "- thạc sĩ Nguyễn Quang lưu ý thêm. Bệnh nhân phải được tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để có phương pháp điều trị chính xác, hiệu quả nhất. Nên nhớ, không ít trường hợp RLCD còn do yếu tố tâm lý.

Các chuyên gia lưu ý, để điều trị RLCD thành công, đôi khi, bác sĩ lại chính là "những người trong cuộc"! Sự chia sẻ vợ - chồng trong những chuyện riêng tư như vậy là rất quan trọng.

 


 

Ước khoảng 10 - 30% nam giới trưởng thành mắc RLCD (tùy thuộc lứa tuổi, ngành nghề). Nên nhớ, nam giới trưởng thành nào cũng đều ít nhất có một lần RLCD, đó là "chuyện bình thường" không thể tránh khỏi. Không phải lúc nào cũng có thể "sẵn sàng". Nhiều khi, sự cố chỉ là nhất thời, vì vậy, không nên quá lo lắng, cần có tâm lý thoải mái để vượt qua!